Những lỗ hổng cho phép “vượt rào” cài đặt Windows 11 đang dần bị Microsoft chặn lại.
Khi Windows 11 lần đầu ra mắt, yêu cầu phần cứng đã khiến nhiều người phải bất ngờ khi dàn máy vẫn còn khá mạnh mẽ của họ lại hiển thị thông báo không đáp ứng được. Vài tuần sau, Microsoft đã tiết lộ lý do tại sao một số PC không hỗ trợ Windows 11: đó là vì CPU không hỗ trợ TPM 2.0. Nếu CPU của bạn quá cũ để hỗ trợ, thì nó không tương thích với Windows 11, không gì có thể thay đổi điều đó.
Nhưng một số người không hài lòng với lời giải thích này. Họ cảm thấy đó là một cách để buộc mọi người mua máy tính mới. Mọi người không chỉ coi đó là một cách “tận thu”, mà còn về tương lai của những PC không có TPM 2.0. Liệu tất cả những chiếc máy này sẽ trở nên vô dụng trong tương lai gần khi Windows 10 ngừng hỗ trợ, dù vẫn có phần cứng tương đối tốt?
May mắn thay, người dùng đã khám phá ra cách cài đặt Windows 11 trên phần cứng không tương thích, liên quan đến việc bỏ qua kiểm tra TPM 2.0 để cài Windows 11.
Tuy nhiên, khi Windows 10 sắp không còn được hỗ trợ nữa, Microsoft bắt đầu siết chặt hơn việc mọi người né tránh các yêu cầu hệ thống và mọi chuyện sẽ dần trở nên khó khăn hơn.
Microsoft đang bắt đầu ngăn chặn những người sử dụng phần cứng không tương thích
Trong năm nay, chúng ta đã thấy Microsoft cố gắng ngăn mọi người sử dụng phần cứng cũ hơn trên Windows 11. Trước hết, công ty ngăn các bộ xử lý không có POPCNT (lệnh viết tắt của “population count”, giúp đếm số lượng số 1 trong biểu diễn nhị phân) khởi động vào Windows 11, điều này không quá khó chịu, vì bất kỳ CPU nào phát hành sau năm 2008 đều hỗ trợ POPCNT.
Nhưng sau đó, một trong những lỗ hổng giúp cài đặt Windows 11 trên máy không hỗ trợ phổ biến nhất là chạy tệp thiết lập với “/product server” để bỏ qua kiểm tra TPM, đã bị Microsoft vá lại.
Tất nhiên, những ai vẫn muốn sử dụng Windows 11 trên phần cứng không hỗ trợ vẫn có thể sử dụng Rufus để né tránh. Nhưng thực sự có vẻ như Microsoft đang dần xóa bỏ những cách mọi người sử dụng để né tránh các yêu cầu hệ thống, từng cái một.
Ngày kết thúc hỗ trợ Windows 10 đang đến gần
Mọi người có thể sớm rời bỏ Windows 10 hàng loạt cho đến ngày ngừng hỗ trợ vào tháng 10 năm 2025. Lúc đó, hệ điều hành sẽ không nhận được bản cập nhật nào nữa, bao gồm các bản vá bảo mật quan trọng. Cách duy nhất để mọi người có thể tiếp tục nhận được các bản cập nhật chính thức là trả cho Microsoft một khoản phí hàng năm, với giá tăng lên hàng năm và chỉ trong tổng cộng ba năm.
Vậy thì khi tháng 10 năm 2025 đến, thì giải pháp cho những ai đang sử dụng Windows 10 và không muốn phải mua thêm gói hỗ trợ mở rộng là nâng cấp lên Windows 11, đồng nghĩa với phải thay đổi phần cứng PC. Giải pháp “kinh tế” và đơn giản nhất là cài Windows 11 lên những PC không hỗ trợ đã bị Microsoft ngăn chặn.
Không còn áp lực từ Windows 10, Microsoft muốn mọi người mua PC mới cho Windows 11
Áp lực từ Windows 10 đã được giải tỏa khi thị phần hệ điều hành này đang giảm sút thấy rõ, và thị phần Windows 11 dần tăng lên.
Nếu Microsoft có thể loại bỏ phần cứng không hỗ trợ vào năm 2025, điều này sẽ buộc những người muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ chính thức phải chuyển sang Windows 11, thúc đẩy doanh số bán PC, mang lại lợi ích khá lớn cho Microsoft.
Microsoft đang dốc toàn lực vào chiến lược AI của mình, tạo ra dòng sản phẩm “PC Copilot+” có các công cụ AI nâng cao sử dụng NPU hệ thống. Hiện tại, không có quá nhiều PC Copilot+, nhưng số lượng đang dần tăng lên.
Có vẻ như việc Microsoft loại bỏ những cách cài đặt Windows 11 lên máy tính không tương thích là nhằm hướng mọi người đến với phần cứng mới, cụ thể là máy tính Copilot+ với gói đăng ký cao cấp tùy chọn. Dù chuyện gì xảy ra, thì khả năng cao là việc sử dụng Windows 11 trên phần cứng không tương thích sẽ chỉ trở nên khó khăn hơn nhiều lần từ đây trở đi.